Từ vườn đến người bán lẻ, mỗi kg thanh long tăng 7.000 đồng - Đại Lý Mua Bán Dừa Sáp Cầu Kè Trà Vinh

Từ vườn đến người bán lẻ, mỗi kg thanh long tăng 7.000 đồng

Từ vườn đến người bán lẻ, mỗi kg thanh long tăng 7.000 đồng

 

 

 

 

thanhlongngon

Giá bán nông sản nói chung, thanh long nói riêng mà báo NNVN phản ánh, từ vườn đến tay người bán lẻ tăng nhiều lần, có thể kết luận là do quá nhiều khâu trung gian.

Tôi nêu ra một ví dụ thế này, chỉ riêng chi phí vận chuyển (gồm bốc vác, thuê xe) của chủ vựa từ các địa phương có thanh long lên TP HCM đã mất khoảng 2.000 đồng/kg. Phần lời của chủ vựa là 500 đồng/kg nữa, tức là tổng cộng giá đã đội thêm 2.500 đồng/kg. Nhưng không phải người dân đã bán cho các chủ vựa ngay vì sản lượng ít, đường vận chuyển xa nên họ phải bán cho một nấc nữa là các thương lái tại địa phương.
TS Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế: Nhiều nấc thang trung gian khiến nông sản bị đội giá.
Qua thương lái, giá trái cây bị cộng thêm ít nhất vài nghìn đồng/kg. Khi thanh long lên đến các chợ đầu mối tại TP HCM, chủ vựa bán lại cho một người trung gian để người này đổ mối cho những người bán buôn tại chợ đầu mối. Phần lời của người trung gian là 500 đồng/kg. Người trung gian bán cho người bán lẻ tại các chợ, cửa hàng với mức lời khoảng 1.500 đồng/kg. Như vậy, từ vườn đến người bán lẻ, giá trái cây đã tăng tổng cộng 6.000 – 7.000 đồng/kg.

Nhưng đó chưa phải là con số cuối cùng, vì khâu bán lẻ tới tay người tiêu dùng mới là đối tượng đẩy giá lên nhiều nhất, thông thường là 40 – 50% giá trị mà họ mua hàng. Không riêng thanh long, tôi được biết, quýt Lai Vung, cam Tam Bình cũng vậy. Năm ngoái, giá những loại trái cây này thu mua tại vườn chỉ khoảng trên dưới 10.000 đồng/kg.

Nhưng khi chuyển đến chợ đầu mối trái cây của TP HCM, giá đã vọt lên gấp hai, thậm chí gấp 4 lần giá bán tại vườn. Từ trái thanh long, trái cam, quýt hay lớn hơn là lúa gạo, thủy sản, nếu đi vào thực tế phân tích kỹ, chúng ta thấy rằng hệ thống lưu thông phân phối quá nhiều tầng nấc, trong mỗi tầng nấc đó người tham gia phân phối phải làm sao đảm bảo có lời, vì vậy, họ cố làm thế nào mua nông sản tốt nhất, giá rẻ nhất và bán được với giá cao nhất, nhanh nhất.

Quá trình này làm cho người sản xuất và người tiêu dùng là người bị thiệt thòi nhất. Vậy câu hỏi đặt ra là, tại sao nông dân không đem trực tiếp nông sản đến thẳng các siêu thị, các chợ đầu mối để bớt đi nhiều khâu thương lái, tăng lợi nhuận?

Về lý thuyết, có thể trả lời ngay là nông dân cần thành lập các tổ hợp tác, liên kết với DN để bao tiêu nông sản. Tuy nhiên, thực tế thì các tổ, nhóm hợp tác, HTX hiện nay chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu. Một lý do nữa là sản xuất của nông dân rất manh mún, chưa có quy mô cũng như chất lượng chưa được đảm bảo.

Tu vuon den nguoi ban le, moi kg thanh long tang 7.000 dong hinh anh 2
TS Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Chính sách chiến lược phát triển NN-NT: Chưa có công nghiệp chế biến, DN và nông dân khó bắt tay nhau.
Sau khi chuyển đổi kinh tế từ cơ chế bao cấp sang kinh tế thị trường, hệ thống phân phối hàng hóa theo thương nghiệp kiểu cũ dần dần bị xóa bỏ. Tương tự, hệ thống thu mua, phân phối theo hình thức HTX, các DN nhà nước dần dần hình thành những DN XK lớn. Điều này đã góp phần hình thành cơ chế thu mua, phân phối nông sản theo hình thái mới, hình thành thị trường tự do trong thu mua phân phối.

Những vấn đề trên đã tạo nên những bất hợp lý trong lưu thông phân phối hàng hóa nông sản hiện nay. Từ sản xuất đến hệ thống lưu thông phân phối nông sản đang có nhiều vấn đề phải tổ chức lại. Điệp khúc được mùa rớt giá và ngược lại cứ lặp đi lặp lại, điều này làm ảnh hưởng đến thu nhập và đời sống nông dân.

Kênh thị trường của chúng ta có quá nhiều trung gian: Từ nông dân đến thương lái cấp 1, thương lái cấp 2, đến chế biến, và khâu tiếp cận thị trường. Cơ sở hạ tầng sản xuất của nông nghiệp thì nhỏ lẻ, xuất phát từ đất đai của chúng ta còn manh mún, kéo theo hàng hóa sản xuất ra khó bán giá cao.

Để giảm khâu trung gian thì điều quan trọng là nhà chế biến, tiêu thụ phải liên kết với nhà sản xuất (nông dân). Nhưng điều đáng buồn ở Việt Nam là cả người dân lẫn nhà tiêu thụ đều chưa sẵn sàng để hợp tác với nhau.

Điều này bắt nguồn từ khâu quy hoạch nông nghiệp của chúng ta chủ yếu vẫn nằm trên giấy. Không có nhà tiêu thụ nào dám đầu tư tiền cho nông dân để sản xuất một sản phẩm cụ thể trên những vùng đất mà người dân có thể tự do chuyển đổi sang bất cứ loại cây trồng nào.

Ở nhiều nước, quy hoạch nông nghiệp thường là quy hoạch “chết”, tức khi cơ quan chức năng xác định vùng đất nào đó trồng sản phẩm nông nghiệp nào đó thì sẽ mãi như vậy, không có chuyện chặt trồng như Việt Nam hiện nay.

Có như vậy, những nhà tiêu thụ mới dám đầu tư cho nông dân phát triển vùng nguyên liệu. Khi mối liên kết giữa nhà nông và DN trở nên bền chặt thì sẽ giảm được khâu trung gian.

Muốn sản xuất trái cây hay lương thực bán giá cao, nông dân phải tham gia vào các tổ chức sản xuất theo hình thức khoa học và tiên tiến, sản xuất có tổ chức, giảm dần những khâu thương lái trung gian, tức là từ nông dân đến thẳng nhà máy và XK, hoặc trực tiếp đến tay người tiêu dùng.

Muốn đạt điều đó, DN và nông dân hoặc các tổ chức sản xuất phải có hợp đồng. Điều kiện để có sự gắn kết giữa DN và nông dân còn bao gồm hành lang pháp lý, quy hoạch vùng tập trung, hợp tác với ngân hàng… theo hình thức DN và nông dân cùng có lợi trên đường phát triển.

Tổ chức sản xuất, phân phối lưu thông hàng hoá nông sản, lương thực tốt sẽ có lợi cho người nông dân và cả người tiêu dùng do giảm tối đa khâu trung gian phân phối. Tuy nhiên, muốn làm được điều này không phải dễ. Vì hiện nay đất đai và vườn cây trái của ta còn khá manh mún, việc tập hợp nông dân vào các tổ chức HTX, tổ đoàn kết, vùng sản xuất còn nhiều khó khăn trở ngại.

Từ thực tế bất hợp lý trong lưu thông phân phối nông sản, mô hình nào để phát triển nông thôn, nông nghiệp, đảm bảo quyền lợi nông dân để nền nông nghiệp nước ta vừa đáp ứng nhu cầu an ninh lương thực vừa XK, bài toán khó đang chờ lời giải từ các chuyên gia và các cấp lãnh đạo tâm huyết với nông dân.

5/5 - (1 bình chọn)

Leave a Comment

Your email address will not be published.