‘Nông dân Việt đang phải chiến đấu một cách đơn lẻ’ - Đại Lý Mua Bán Dừa Sáp Cầu Kè Trà Vinh

‘Nông dân Việt đang phải chiến đấu một cách đơn lẻ’

‘Nông dân Việt đang phải chiến đấu một cách đơn lẻ’

Đại biểu Quốc hội cho rằng người nông dân hiện đang phải “chiến đấu” một cách đơn lẻ, tự đi tìm cây trồng, vật nuôi giúp mang lại hiệu quả kinh tế nên nông nghiệp tăng trưởng âm.
Chiều ngày 29/7, thảo luận về tình hình kinh tế – xã hội 6 tháng đầu năm và các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu 6 tháng cuối năm 2016, hầu hết các đại biểu đều đồng tình với mục tiêu Chính phủ đã đề ra.

Tuy nhiên, các đại biểu bày tỏ sự lo lắng khi 6 tháng đầu năm kinh tế tăng trưởng chững lại đẩy mục tiêu tăng trưởng của cả năm xa dần.

Mổ xẻ nguyên nhân khiến nền kinh tế chững lại, các đại biểu đều cho rằng trước hết phải kể đến việc 6 tháng đầu năm, ngành nông nghiệp tăng trưởng âm do biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường biển ở miền Trung, hạn hán, xâm nhập mặn…

Nông dân chiến đấu đơn lẻ

nongdanviet

‘Nong dan Viet dang phai chien dau mot cach don le’ hinh anh 1
Đại biểu Quốc hội cho rằng người nông dân hiện đang phải “chiến đấu” một cách đơn lẻ, tự đi tìm cây trồng, vật nuôi giúp mang lại hiệu quả kinh tế nên nông nghiệp mới tăng trưởng âm. Ảnh: Ngọc An.
Các đại biểu cho rằng, việc đầu tư cho ngành nông nghiệp chưa tương xứng, hàng loạt sai phạm của cán bộ như việc cấp phép khống cho 800 sản phẩm, việc sản xuất còn nhỏ lẻ, thiếu tập trung, chưa làm tốt việc xây dựng thương hiệu…cũng là những nguyên nhân khiến nông nghiệp tăng trưởng âm.

Ngành nông nghiệp lần đầu tiên tăng trưởng âm sau hơn 10 năm cho thấy nền kinh tế dễ chịu tổn thương thế nào, đại biểu Nguyễn Hoàng Anh (đoàn Cao Bằng) đánh giá. “Nông nghiệp là bệ giảm xóc của nền kinh tế, nhưng hiện nay các đầu tư ở lĩnh vực này còn ít dẫn tới sự phát triển không bền vững”.

Đồng quan điểm, đại biểu Trần Văn Rón (đoàn Vĩnh Long) nêu thực tế người nông dân hiện nay vẫn đang phải “chiến đấu” một cách đơn lẻ, tự đi tìm cây trồng, vật nuôi…

Ông Rón đề xuất Chính phủ tái cơ cấu nền kinh tế gắn với xây dựng nông thôn mới và phải có những hành động quyết liệt hơn để chấm dứt hiện tượng sản xuất, phân phối vật tư nông nghiệp giả, kém chất lượng.

Cùng với đó, đại biểu Quốc hội đề nghị Chính phủ giám sát chặt chẽ việc thực hiện chủ trương tái cơ cấu nền kinh tế, nông nghiệp, tổ chức giám sát chuyên đề ở lĩnh vực này để có giải pháp thiết thực, tháo gỡ khó khăn, bảo vệ quyền và lợi ích cho nông dân.

Đồng thời, tăng cường vốn đầu tư, nguồn lực đầu tư ở lĩnh vực này, tạo điều kiện thuận lợi để nông dân dễ tiếp cận với các nguồn vốn đầu tư hơn. Song song với việc tăng cường xử lý gian lận thương mại như việc bơm tạp chất tôm…., Chính phủ cần cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới các cơ sở thực nghiệm ở địa phương, giúp nông dân tìm được đầu ra, thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Thừa nhận ngành nông nghiệp đang gặp nhiều khó khăn, thách thức, phát biểu tại Nghị trường, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho hay, thách thức lớn nhất là ở Việt Nam sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ, không tập trung khiến năng suất thấp, giá trị gia tăng thấp.

Bộ trưởng nêu thực tế, chúng ta có 12 triệu hộ nông dân, nhưng chỉ có 1.000 hợp tác xã kiểu mới, không có doanh nghiệp trụ cột trong chuỗi liên kết.

“Hơn nữa trong thời gian qua biến đổi khí hậu diễn ra gay gắt, khốc liệt hơn dự báo, tình trạng khô hạn, xâm nhập mặn phổ biến ở hầu hết các vùng lãnh thổ Việt Nam đặc biệt đồng bằng sông Cửu Long… cộng thêm áp lực cạnh tranh với hàng ngoại nên ngành nông nghiệp tăng trưởng âm”, Bộ trưởng phân tích.

Mỗi tỉnh vài sản phẩm chủ lực

Khẳng định tới đây ngành nông nghiệp cần tái cơ cấu để góp phần hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng của nền kinh tế, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho hay Bộ sẽ chỉ đạo các ngành, địa phương xây dựng chương trình tái cơ cấu, phát huy thế mạnh của mình.

“Mỗi tỉnh sẽ chọn ra vài sản phẩm chủ lực, thu hút đầu tư, hỗ trợ liên kết và tập trung giải quyết vấn đề thị trường. Chẳng hạn Đồng Tháp đã chọn ra 5 sản phẩm trong khi Lâm Đồng áp dụng quy trình công nghệ canh tác tiên tiến vào sản xuất”, Bộ trưởng nói.

‘Nong dan Viet dang phai chien dau mot cach don le’ hinh anh 2
Tân Bộ trưởng Nông nghiệp Nguyễn Xuân Cường. Ảnh: Nguyễn Hưng
Theo Bộ trưởng, Việt Nam đang có thế mạnh về chăn nuôi bò sữa, lợn. Riêng bò sữa, Việt Nam đứng đầu khu vực trong khi đáng mừng là 40% số đầu lợn đang tập trung ở các trang trại quy mô tập trung lớn.

“Tới đây Bộ sẽ cùng với các tỉnh rà soát, điều chỉnh, đề xuất đầu tư hạ tầng một cách căn cơ, phát triển thế mạnh của các vùng trong đó tập trung đẩy mạnh phát triển ngành thủy sản, chăn nuôi lợn và trồng lúa đồng thời có giải pháp ứng phó thiên tai, sớm hoàn thiện chính sách giúp nông dân khởi nghiệp để đến năm 2020 Việt Nam đạt mục tiêu có 1 triệu doanh nghiệp”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Rate this post

Leave a Comment

Your email address will not be published.